Câu chuyện cuối tuần: Walt Disney, người không bao giờ bỏ cuộc

Nếu có thứ gì gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em trên toàn thế giới thì đó chính là cái tên Walt Disney, một cái tên gắn liền những câu chuyện cổ tích, những nhân vật hoạt hình đáng yêu mà đằng sau nó là câu chuyện về nghị lực phi thường của chính Disney.

Là cha đẻ của rất nhiều chuyện đầy mộng mơ được tái hiện trên màn ảnh, thế nhưng, tài năng của Walt Disney là kinh doanh chứ không phải nghệ thuật. Ông lớn lên tại trang trại ở Macerline, Missouri. Ngay từ nhỏ, Disney đã có thiên hướng kinh doanh vượt trội với việc bán những bức phác họa cho bạn bè cùng lớp tiểu học.

Tài năng thiên bẩm ấy của Disney có lúc tưởng chừng đã bị vùi dập bởi cha ông, Elias Disney. Elias là một thợ mộc bình thường bị nghiện rượu nặng và cờ bạc. Cũng vì tật xấu của bố Elias, gia đình Disney buộc phải bán căn nhà ở Chicago và dọn đến một nông trại ở giữa miền Tây nước Mỹ.

Nhà hoạt họa vĩ đại nhất thế giới Walt Disney từng phác hoạ những ý tưởng đầu tiên của mình bằng than vẽ trên giấy vệ sinh vì không có tiền mua bút chì và tập giấy. Ở tuổi trưởng thành, sau khi giải ngũ, Disney trở về theo đuổi con đường hoạt họa nhưng bị các nhà xuất bản từ chối cộng tác. Cuối cùng, Disney cũng kiếm được việc làm trong một công ty quảng cáo. Một tháng sau, ông bị đuổi vì “thiếu khả năng vẽ”.

Năm 1922, Disney lập công ty đầu đời Lau-O-grams, nhưng chẳng bao lâu sau công ty gặp khó khăn về tài chính, Disney quyết định rời Thành phố Kansas đến Hollywood lập nghiệp chỉ với bộ đồ vẽ và những ý tuởng hoạt hình trong đầu. Tuy nhiên, Hollywood là mảnh đất cực kì khắc nghiệt với những người trẻ tuổi, Disney vẫn lận đận suốt mấy năm trời với hai bàn tay trắng.

Cho đến khi Disney quyết định hợp tác với anh trai mình, Ron, cuộc đời của ông mới bước sang trang mới. Đế chế Walt Disney bắt đầu với cái gara để xe mượn của bác Robert cùng với người anh trai là Ron, Walt Disney thành lập xưởng phim “Disney Brothers Studios”  và 3.200 USD vay mượn từ họ hàng cùng với căn nhà bố mẹ đem đi thế chấp.

Ngay sau khi xây dựng xưởng phim Disney Brothers, ông sáng tạo nhân vật chú thỏ may mắn trong bộ phim Oswald the Lucky Rabbit. Vì sự non nớt của mình, ông đã tán thành một hợp đồng sản xuất và trong hợp đồng này ông sẽ sản xuất các bộ phim hoạt hình, nhưng công ty Mintz lại là chủ sở hữu các nhân vật.

Bộ phim gây được tiếng vang lớn nhưng các nhà phân phối đã nhanh chóng “độc quyền” sở hữu chú thỏ, gạt phăng những người sáng tác qua một bên. Vô cùng tức giận, Disney tuyên bố sẽ không làm việc cho bất kì ai nữa. Sau thất bại với công ty phân phối Mintz, Walt Disney chán nản trở về California.

Ông chọn con chuột và đặt tên là Mortimer nhưng vợ Lillian đề nghị cái tên Mickey. Tình hình tài chính vẫn bi đát đến độ Roy phải bán chiếc xe hơi của Disney để trả lương nhưng sau khi tung ra bộ phim thứ ba có âm thanh – Tàu hơi nước Willie, hãng Disney đã thật sự gây tiếng vang. Ở tuổi 26, Walt Disney trở thành người đầu tiên sản xuất được phim hoạt hình có âm thanh.

Ngày 18 tháng 11 năm 1928, Chuột Mickey được công diễn lần đầu ở Thành phố New York đã thu được thành công lẫy lừng. Bị ám ảnh từ công ty Mintz lần trước, Disney tự mình phân phối phim hoạt hình tới từng nhà hát, và ông lại có một bài học mới khi tiền lãi không bao nhiêu bởi cách “tự thân vận động” của ông. Cuối cùng, năm 1930, sau 7 năm ở Hollywood, Disney đã đầu hàng và bán xưởng phim, ký một thỏa thuận với hãng chiếu bóng Columbia, đồng ý phân phối phim với giá 7.000 USD một bộ phim, tiền chia đều cho hai bên nhưng Disney vẫn giữ bản quyền. Hãng phim Columbia đã phân phối phim hoạt hình của Disney đi khắp thế giới. Mickey sau đó trở thành thương hiệu toàn cầu với hàng loạt các sản phẩm ăn theo như: quần áo, giày dép, thức ăn, đồng hồ v.v… tạo tiền đề cho Disney thực hiện những dự án lớn của mình.

Khi nghe Disney tuyên bố thực hiện cuốn phim hoạt hình dài đầu tiên, không ai tin rằng một cuốn phim hoạt hình dài hơn một tiếng có thể hấp dẫn khán giả. Tuy thế, Disney vẫn quyết tâm thực hiện. Ông cắt giảm mọi khoản có thể, kể cả tiền lương họa sĩ, để đầu tư vào cuốn phim hoạt hình dài đó. Đợt chiếu ra mắt vào tháng 12-1937, Bạch Tuyết và bảy chú lùn đã thành công ngoài sức tưởng tượng, tiền vé thu vào lên đến hơn 8 triệu USD (giá mỗi vé lúc đó chỉ 0,25USD). Trong vòng 5 năm sau đó, Disney sản xuất những bộ phim hoạt hình đã trở nên kinh điển như Pinocchio, Chú nai Bambi, Fantasia, Chú voi biết bay Dumbo… chính thức khẳng định quyền lực của mình trong thế giới hoạt hình.

Năm 1955, Disney mở hướng đi mới: Ông bỏ ra 17 triệu USD khai trương công viên Disneyland rộng 70ha, một công viên hoàn toàn để vui chơi giải trí trên thế giới dựa theo những bộ phim hoạt hình của ông. Đây là một xứ sở huyền ảo không chỉ với trẻ em mà người lớn cũng thấy mê khi chu du trong đó. Một lần nữa mạo hiểm và thêm một lần thành công: Ngay trong bảy tuần đầu tiên Mickey và các bạn đã đón một triệu lượt khách đến thăm.

Ông quan tâm dến từng chi tiết của công trình này, nhưng không kịp sống đến ngày khai trương Disneyworld vào tháng 10 năm 1971. Ông mất ngày 15 tháng 12 năm 1966 vì căn bệnh ung thư phổi.

Khi còn sống, Walt Disney thừa nhận: “Tôi không bao giờ thừa nhận công việc của tôi là nghệ thuật cả. Đó chỉ là một phần của ngành kinh doanh giải trí“.

Ông vua phim hoạ hình này chưa bao giờ là một họa sĩ giỏi nhưng ông là một cái máy sản xuất ý tưởng. Ông phác thảo sơ lược, rồi mô tả chi tiết bằng lời về nhân vật hoạt hình mà ông muốn thể hiện, từ đó các họa sĩ dưới quyền sẽ định hình. Hiểu rõ về bản thân, kiên trì theo đuổi và luôn cố gắng làm những gì tốt nhất cho mọi người khiến từ nhân viên cho đến khán giả, không ai không yêu những tác phẩm của Disney.

Nguồn: Sưu tầm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *