1. Cạm bẫy tâm lý “Cửa sổ vỡ”
Cơ sở của lý thuyết này bắt nguồn từ câu chuyện về những ô cửa sổ: Nghiên cứu cho thấy trong một tòa nhà, nếu một chiếc cửa sổ bị phá vỡ mà không ai sửa chữa thì những người khác sẽ cho rằng nơi đây không được ai quan tâm. Rồi về sau, nhiều cánh cửa khác cũng sẽ bị đập vỡ và không ai còn thấy mình phạm lỗi nữa.
2. Cạm bẫy tâm lý “Bất lực có điều kiện”
“Bất lực có điều kiện” là tình trạng khi bạn tin rằng bản thân không thể cố gắng làm bất kỳ điều gì để thay đổi cuộc sống, thậm chí cả khi bạn hoàn toàn có cơ hội để làm điều đó. Cạm bẫy tâm lý này có thể hình dung như khi bạn đứng trước một cánh cửa đã khép kín mà bạn nghĩ mình sẽ không thể mở được.
Sau khi trải qua rất nhiều khó khăn và thất bại, nhiều trường hợp, bạn sẽ muốn bỏ cuộc và bắt đầu tin rằng mọi thứ đều đã được định sẵn, đặc biệt là sau khi nhận được khó khăn ngày càng nhiều hơn.
♥ Bài học rút ra: Bạn có thể vượt qua được cạm bẫy tâm lý này nếu áp dụng những lời khuyên sau đây:
- Bỏ qua sự hoàn hảo vì có rất ít điều mà bạn có thể làm hoàn hảo 100%.
- Học cách lạc quan để thấy mọi khó khăn đều có hướng giải quyết nếu bạn đủ kiên trì và niềm tin.
- Giảm bớt dự đoán và kỳ vọng vào tương lai vì ta thường có xu hướng sợ hãi những rủi ro mặc dù nó chưa xảy ra.
3. Cạm bẫy tâm lý “Con đường quen thuộc”
Cùng một bức tranh Mona Lisa, người có sở thích hội họa sẽ cảm nhận được sức hấp dẫn từ nụ cười bí ẩn của nàng, song người không quan tâm hội họa thì thấy chẳng có gì thú vị cả. Cạm bẫy tâm lý này cho rằng con người chúng ta nhìn nhận thế giới thông qua “bộ lọc” trải nghiệm và niềm tin của riêng mình. Đó là lý do tại sao mọi người thường phản ứng khác nhau trước cùng một tình huống.
Mặt khác, nếu bạn đã quen với con đường an toàn và thoải mái của riêng mình thì rất khó để vượt ra khỏi ranh giới đó để nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn.
♥ Bài học rút ra: Chỉ khi dám làm những điều khác đi, bạn mới có thể đạt được những kết quả mình chưa từng có. Bạn hãy nhớ thành công chỉ đến với những ai coi thất bại là trải nghiệm cần thiết trước khi có động lực thử nghiệm những điều mới mẻ.
4. Cạm bẫy tâm lý “Thế khó xử của loài nhím”
“Thế khó xử của loài nhím” dựa trên hình ảnh một đàn nhím cố gắng đến gần nhau để giữ hơi ấm trong thời tiết lạnh thì chúng vẫn phải xa cách để tránh làm nhau bị đau vì lông gai xù xì. Đây là một ẩn dụ cho cạm bẫy tâm lý trong mối quan hệ của con người.
Do một số trở ngại nào đó mà bạn không tìm được cách thể hiện tình cảm của bản thân trong mối quan hệ với người khác. Từ đó có thể sinh ra sự bối rối, xa lánh hay nghiêm trọng hơn là phản bội hay hận thù chỉ vì không thể hiểu được ai đó.
♥ Bài học rút ra: Chìa khóa cho một mối quan hệ hạnh phúc, dù trong tình yêu hay tình bạn là hãy trao cho người khác sự gần gũi, chân thành nhưng vẫn duy trì không gian riêng tư cá nhân. Bạn đừng cố chịu đựng nỗi đau một mình và cũng đừng chạy trốn khỏi những mối quan hệ thân thiết, hãy giữ một khoảng cách hợp lý để có thể giữ sự hài hòa.
5. Cạm bẫy tâm lý “Kẹt một chân trong cửa”
Nếu nhận được một yêu cầu nhỏ và chấp nhận thực hiện, bạn đã ở vào tư thế “kẹt một chân trong cửa”, khi đó bạn sẽ dễ dàng chấp nhận một yêu cầu lớn hơn. Chẳng hạn như bạn chẳng hề có ý định mua một sản phẩm nào đó nhưng người bán hàng lại đề nghị bạn dùng thử một mẫu thử miễn phí và bạn đồng ý. Sau khi trải nghiệm, bạn sẽ bị thôi thúc và cuối cùng lại quyết định mua sản phẩm đó.
♥ Bài học rút ra: Bạn hãy tỉnh táo để nhận ra đâu là lợi ích cần thiết nhất đối với mình để không dễ bị “cám dỗ” bởi những chiến lược bán hàng khôn ngoan. Một khi đã hiểu rõ nhu cầu của mình, bạn sẽ không bị lạc hướng bởi những sự việc khác xuất hiện ngẫu nhiên và không có quá nhiều ý nghĩa đối với bạn.
6. Cạm bẫy tâm lý “Cố gắng thích nghi”
Bạn có thể chấp nhận một số trở ngại trong cuộc sống của mình nếu chúng diễn tiến một cách thầm lặng và thường xuyên. Chẳng hạn như bạn sống trong một thành phố rất ô nhiễm nhưng tình trạng này không tác động quá khủng khiếp ngay mà bạn có thể có thời gian thích nghi từ “Không ổn” đến “Ổn đấy”, “Không sao” và “Vẫn ổn” .
Cạm bẫy tâm lý này có thể giúp bạn tìm thấy lời giải đáp cho một số câu hỏi như: Tại sao sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng bạn vẫn không chấm dứt? Thực tế chỉ ra rằng những trở ngại bất thường theo thời gian sẽ khiến bạn dần dần cảm thấy “bình thường”.
♥ Bài học rút ra: Trong một số trường hợp, bạn không nên thỏa hiệp với những suy nghĩ của mình. Nếu tìm thấy những điểm không thể chấp nhận được nữa trong cuộc sống hay những mối quan hệ của mình, bạn đừng e ngại thực hiện thay đổi bởi biết đâu điều đó sẽ mở ra một hướng đi mới tốt đẹp hơn.
7. Cạm bẫy tâm lý “Lợi dụng nặc danh”
Cạm bẫy tâm lý này dựa trên sức mạnh của ngôn từ khá phổ biến trong các chiêu thức quảng cáo và tiếp thị hiện nay. Trong đó, bạn không thể kiểm chứng được tính xác thực của thông tin mà lại rất tin tưởng vào thông tin đó.
Chẳng hạn như bạn không có ý định mua một loại thuốc nào đó nhưng một quảng cáo lại nói rằng hiệu quả của loại thuốc này đã được các nhà khoa học chứng minh. Khi ấy, bạn thường có xu hướng bị thuyết phục bởi lý lẽ này nhưng thực chất lại chẳng thể kiểm chứng điều đó.
♥ Bài học rút ra: Đừng quá tin tưởng vào những thông tin đã được cá nhân hóa, chẳng hạn như quảng cáo, các tin tức trên Internet hay báo chí. Bạn hãy tỉnh táo để lọc thông tin và chọn ra thứ mình thực sự cần chứ không phải những lợi ích chỉ mang tính ảo tưởng.
8. Cạm bẫy tâm lý “Lời tiên tri ứng nghiệm”
Đôi khi những lời dự đoán sẽ trở thành sự thật, nhưng hoàn toàn không có phép màu nào trong đó. Mấu chốt là niềm tin và kỳ vọng ảnh hưởng đến hành vi của bạn: Nếu bạn tin điều gì đó là thật thì hành động sẽ dần dần biến nó trở nên đúng như vậy.
Một lời tiên đoán tích cực hay tiêu cực, một lý lẽ hay ảo tưởng được tuyên bố là sự thật trong khi thực tế là sai – có thể tạo nên một ảnh hưởng vừa đủ. Điều này thúc đẩy bạn hành động, làm cho hành động của bạn cuối cùng hoàn thành lời tiên đoán lúc đầu.
♥ Bài học rút ra: Bạn cần cố gắng tạo ra niềm tin và suy nghĩ tích cực cho riêng mình. Nếu như bạn tự đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn và cố gắng, mục tiêu đó nhiều khả năng sẽ sớm thành hiện thực.
9. Cạm bẫy tâm lý “Hiệu ứng vịt con”
Đây là cạm bẫy tâm lý về sự tò mò: Cũng giống như đàn vịt con khi nở ra, chúng thường xem con vịt đầu tiên nhìn thấy là vịt mẹ. Còn con người chúng ta thường có xu hướng coi những trải nghiệm đầu tiên, những cảm xúc đầu tiên, những sự vật tiếp xúc đầu tiên luôn là “tốt nhất”.
Cạm bẫy tâm lý này khiến bạn rất khó thuyết phục bản thân thử những thứ mới và gần như không thể chứng minh rằng những điều mới có thể tốt hơn điều cũ. Chẳng hạn như khi đánh giá một bộ phim nào đó rất hay thì khi bộ phim đó ra phần 2, phần 3 thì bạn vẫn thường không thấy nó hay hơn phần đầu được.
♥ Bài học rút ra: Nhận thức về “hiệu ứng vịt con” sẽ giúp bạn giữ vững lập trường của bản thân khỏi bị chi phối bởi những yếu tố khác, nhưng đồng thời cũng làm bạn khó chấp nhận sự đổi mới, sáng tạo. Bạn hãy tự nhắc nhở bản thân có cái nhìn khách quan hơn để đón nhận và cho cái mới cơ hội, đồng thời để bản thân cũng có thêm nhiều sự trải nghiệm thú vị.
Các cạm bẫy tâm lý sẽ khiến hành động và suy nghĩ của bạn có nhiều khác biệt nhưng điều đó hoàn toàn không có gì đáng phải lo ngại. Hãy tìm hiểu đặc điểm mấu chốt của vấn đề và tìm cách cải thiện, bạn hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của bản thân và đạt được những điều mình mong muốn.
Nguồn: 9 Psychological Laws That Control Your Actions Against Your Will
https://brightside.me/inspiration-psychology/9-psychological-laws-that-control-your-actions-against-your-will-688510/