Câu chuyện cuối tuần: Cậu bé bán hòn đá

Cùng một viên đá, tại sao có người trả giá 2 đồng, có người lại trả giá đến 200 đồng! Câu chuyện bạn đọc tiếp theo đây cho bạn thấy rằng, mọi thứ nếu đặt đúng chỗ sẽ thể hiện được giá trị của nó.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, một cậu bé mang thắc mắc đến hỏi cha cậu “Cha ơi, giá trị lớn nhất của đời người là gì ạ?”

Cha cậu không trả lời cậu bé, mà cúi xuống nhặt một viên đá với những góc cạnh khá lạ mắt, đưa cho con trai và bảo con “Ngày mai, con mang viên đá này ra chợ bán. Nếu có người hỏi mua, dù với giá nào con cũng không được bán”.

Cậu bé vâng lời, hôm sau mang viên đá ra chợ bán. Ngồi mãi đến trưa gần tan chợ, có người mẹ trẻ dắt theo một cậu bé trạc tuổi cậu đi qua, cậu bé nhìn hòn đá thích thú đòi mua, người mẹ trả cậu 2 đồng để mua viên đá. Nhớ lời cha dặn, cậu bé không bán và mang viên đá trở về nhà.

Nghe cậu bé kể chuyện phiên chợ sáng nay, cha cậu lại bảo cậu, “Ngày mai con lại mang viên đá này ra cổng chùa lớn kia nhé, mai là ngày lễ và du khách thập phương sẽ qua lại rất đông. Và dù ai trả giá nào cũng không bán”.

Cảm thấy hứng thú, sáng sớm tinh mơ cậu bé đã ra trước sân chùa để bày bán viên đá. Ngồi một lúc đã có khá nhiều người tò mò vây quanh để xem. Một người đàn ông trong số đó lên tiếng hỏi: “Chú bé, viên đá bao nhiêu tiền thế?” – Cậu bé không trả lời, chỉ giơ tay chỉ viên đá. Người đàn ông nghĩ ngợi liền phát giá: “10 đồng nhé chú bé?” cậu bé lắc đầu, ông ta nói thêm “20 đồng nhé?”. Cậu bé vô cùng ngạc nhiên nhưng nhớ lời cha dặn, quyết không bán mà mang viên đá trở về.

Ngày tiếp theo, theo chỉ dẫn của cha, cậu bé lại mang viên đá ra trước một dãy phố chuyên bán đá phong thủy. Cũng giống như mấy lần trước, lần này viên đá cũng thu hút được ánh nhìn của khá nhiều người qua lại. Một lúc sau, một anh thanh niên đến gần, xem xét và hỏi “Cậu bé, viên đá này là đá gì thế? Bao nhiêu tiền vậy?”

Cậu bé không nói gì, chỉ giơ tay chỉ vào hòn đá. Người thanh niên cầm lên xem xét kỹ lưỡng một lúc rồi lên tiếng “100 đồng nhé cậu bé?” Cậu bé lắc đầu không nói gì. Thấy thế, chàng thanh niên lại xem xét viên đá kỹ hơn và hỏi tiếp “Thôi, 200 đồng, bán cho tôi nhé!” Cậu bé tròn mắt ngạc nhiên vội vã mang viên đá chạy một mạch về nhà.

Kể hết chuyện cho cha nghe, cậu bé vẫn còn rất mơ hồ về những gì xảy ra mấy ngày vừa qua với viên đá trên tay.

Cha cậu bé đến giờ mới giải thích: “Giá trị một vật cũng giống như viên đá kia vậy. Để giữa đất và không ai quan tâm, nó chỉ là viên đá bình thường. Con đem ra chợ quê bán, có người trả con 2 đồng cũng vì con họ thích nó. Khi con mang ra cổng chùa với lượng khách thập phương qua lại đông đúc, nó đáng giá 20 đồng hoặc hơn nữa. Còn hôm nay, khi con mang nó ra khu phố đá phong thủy, đã có người trả giá nó đến 200 đồng. Con thấy đó, nền tảng khác nhau, đặt ở những vị trí khác nhau, thì giá trị hiện vật cũng vì thế mà khác nhau…!”.

Bài học rút ra là, mọi vật đều có giá trị của nó. Và, ở mỗi hoàn cảnh, môi trường khác nhau, giá trị lại được thể hiện khác nhau. Cũng như vậy, một tảng cỏ bán ngoài phố chỉ mấy chục ngàn. Cũng tảng cỏ như thế trong 1 sân vận động, sau khi trải qua trận đấu bóng đá lớn, lại được tách ra bán hàng trăm ngàn đô la.

-Đối với con người, giá trị cuộc sống đều do chính chúng ta quyết định tạo dựng và đặt ra. Vì vậy hãy tự đặt mình vào nơi mà mọi người hiểu ta và đó là nơi giá trị sống được tôn trọng.

-Giá trị của một thứ không thể được vội vàng xét đoán, kết luận, nếu không đặt chúng vào những hoàn cảnh khác nhau, những góc nhìn khác nhau. Mỗi người có một cách “định giá” khác nhau về thành công hay thất bại. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người và làm cho mình trở nên có giá trị theo cách của mình.

Nguồn: Sưu tầm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *